
TÂY THI - MỘT TRONG TỨ ĐẠI MỸ NHÂN
NGUYỆT HÀ
Thứ Bảy,
05/04/2025
6 phút đọc
Nội dung bài viết
"Trầm ngư lạc nhạn, bế nguyệt tu hoa” (chim sa cá lặn, hoa nhường nguyệt thẹn) là lời khen tụng những “tuyệt thế giai nhân” trong xã hội Trung Quốc cổ đại, trong đó đứng đầu là vẻ đẹp “trầm ngư” của nàng Tây Thi nước Việt vì đại nghĩa mà tự nguyện hiến mình cho Ngô Vương khiến nước Ngô bị tiêu diệt. Trong buổi biểu diễn Thần Vận năm 2024, cũng một vũ kịch về nàng Tây Thi với một trái tim thiện lương, trọn tình vẹn nghĩa.
Mặc dù trong lịch sử không có ghi chép rõ ràng về Tây Thi, nhưng từ trước thời Tần, tên của nàng đều xuất hiện trong các tác phẩm dân gian, các tác phẩm của Mặc Tử, Mạnh Tử, Trang Tử, v..v, còn trong thơ văn của các thế hệ sau này thì nhiều không kể xiết.
Tương truyền rằng Tây Thi tên gốc là Thi Di Quang, người làng Trữ La nước Việt thời kỳ cuối Xuân Thu (ngày nay là khu vực lân cận thành phố Chư Kỳ, tỉnh Chiết Giang). Nước Việt khí hậu ấm áp, sơn thủy hữu tình, non xanh nước biếc, về kỹ thuật đúc kiếm và dệt may được coi là đệ nhất thiên hạ, lại nổi tiếng gần xa bởi là nơi có nhiều mỹ nhân. Vậy rốt cuộc thì Tây Thi đẹp đến mức độ nào? Trong Hoàn Sa Thiên của thi nhân thời Đường – Tống Chi Vấn có thể biết được đôi điều: “Điểu kinh nhật tùng la, ngư úy trầm hà hoa”. Câu thơ này làm nhiều người cho rằng đây là nguồn gốc của vẻ đẹp “Trầm ngư” của Tây Thi. Hay Tô Thức thời nhà Tống đã dùng những lời ý đẹp để khen ngợi Tây Thi như sau: “Dục bả Tây hồ tỷ Tây Tử, đạm trang nồng mạt tổng tương nghi”. Thậm chí, đến cả cái nhăn mặt lúc Tây Thi lâm bệnh cũng bị Đông Thi xấu xí bắt chước theo, trở thành điển cố trong Trang Tử “Đông Thi hiệu tần”.
Trong thời loạn lạc, các nước tranh hùng xưng bá, nước Việt bị nước Ngô hùng mạnh tấn công mà thất thủ. Việt Vương Câu Tiễn ngoài mặt tỏ vẻ ngoan ngoãn quy thuận, cung phụng Ngô Vương như cha, nếm mật nằm gai, nhưng trong lòng vẫn luôn khắc ghi mối thù nợ nước. Trong Ngô Việt Xuân Thu có ghi chép, Câu Tiễn thậm chí không sợ chịu nhục, dám nếm cả phân để tỏ lòng hiếu với Ngô Vương. Phạm Lãi là bề tôi trung thành của Câu Tiễn, đã sử dụng mỹ nhân kế làm suy nhược ý chí của Ngô Vương, đợi thời cơ rửa nhục cho nước Việt, cuối cùng, tìm thấy được một cô gái đang giặt vải - Tây Thi.
Là người con được nuôi nấng trên đất mẹ quê hương, Tây Thi quả nhiên đã không phụ lòng bá tánh nước Việt, nàng đã khuynh đảo thần hồn Ngô vương Phù Sai, làm Phù Sai không đoái hoài đến sự can gián của trọng thần Ngũ Tử Tư, một mực ân sủng Tây Thi, cho xây cung Xuân Tiêu trên đài Cô Cô, lại xây cung Quán Oa trên núi Linh Viêm, cùng Tây Thi thưởng ngoạn yến nhạc. Câu Tiễn nhân lúc Ngô Vương say mê nữ sắc, bỏ bê chính sự, nghỉ ngơi lấy sức, khôi phục nguyên khí quốc gia, một hơi tiêu diệt nước Ngô.
Có truyền thuyết kể rằng, Tây Thi sau khi diệt nước Ngô không muốn cùng Phạm Lãi rời đi, đã trầm sông tự vẫn. Cũng có vở kịch và tiểu thuyết cho rằng, Tây Thi day dứt vì những năm tháng được Phù Sai sủng ái nên đã thắt cổ trong cung Quán Oa. Nhưng theo ghi chép trong Ngô Việt Xuân Thu và Việt Tuyệt Thư, Tây Thi sau này đã “phiếm chu ngũ hồ” (vượt sóng năm hồ) biến mất cùng Phạm Lãi. Nhưng kết cục và hướng đi chính xác của Tây Thi như thế nào, đến nay vẫn là một ẩn số.
“Tây Thi chi trầm, kỳ mỹ dã”. Mặc Tử thời tiền Tần nhận xét, vẻ đẹp của Tây Thi đã đem lại tai họa của bản thân và nước Ngô. Nhưng sau này có nhiều ý kiến thể hiện sự bất bình thay cho nàng. Thơ của Thôi Đạo Dung thời Đường có viết: “Tải dĩ vong Ngô quốc, Tây Thi hãm ác minh. Hoán sa xuân thủy cấp, tự hữu bất bình thanh”. Hay lời thơ của thi nhân thời Đường - La Ẩn “Tây Thi nhược giải khuynh Ngô quốc, Việt quốc vong lai hựu thị thùy?” chợt khiến người ta hiểu ra, nếu người Ngô oán hận Tây Thi đưa họa diệt quốc đến nước Ngô, vậy nếu như Tây Thi không tới nước Ngô để mặc nước Việt diệt vong, vậy người ta lại sẽ trách ai đây? “Gia quốc hưng vong tự hữu thời”, nếu ý trời đã định, chỉ một người con gái xinh đẹp làm sao có thể thay đổi được?
“Tình nhân nhãn lí xuất Tây Thi” là một câu tục ngữ phổ biến thời nay, hàm ý rằng cái đẹp chỉ là cảm nhận chủ quan, tướng mạo của một người bất luận là xấu hay đẹp, trong mắt người tình thì đều là hoàn hảo. Kỳ thực, đây thực chất là một câu ngạn ngữ thời Tống, nguyên văn từ trong tập thơ Thiều Khê Ngư Ẩn tùng thoại hậu tập: “Sắc bất mê nhân nhân tự mê, tình nhân nhãn lí xuất Tây Thi”
Sắc đẹp bản thân không có tội, nhân tâm đắm chìm trong mỹ sắc mới là nguồn gốc của tai họa.
“Nhất phá Phù Sai quốc, thiên thu cánh bất hoàn”. Đáng tiếc thay, mặc dù Tây Thi dung nhan tuyệt thế, được đế vương ân sủng, những cũng chỉ bất lực trong trần thế làm kẻ không được sống thật với chính mình, không được nói ra lời chân thật trong tâm, không được làm chủ cuộc đời, thật là một nỗi xót xa! Tây Thi để lại trong văn hóa Trung Quốc một dấu ấn sâu sắc, nhắc nhở chúng ta rằng: phồn hoa, ân ái, dung mạo xuất chúng đều không lâu dài, chỉ có trái tim lương thiện và tấm lòng đại nghĩa mới có thể lưu truyền thiên cổ.
Nguồn: shenyuncollections.com
-----------------
KỶ NGUYÊN HY VỌNG - 316 PHỐ HUẾ, P.PHỐ HUẾ, Q.HAI BÀ TRƯNG, HÀ NỘI
☎️ HOTLINE: 0356499488
💎 WEBSITE: kynguyenhyvong.com
🎥 YOUTUBE: youtube.com/@KyNguyenHyVong
🎞 GAN JING WORLD: https://www.ganjingworld.com/channel/1gehv2dg88j6gj7mFWesBIX9h1h70c
⚡️FACEBOOK: https://www.facebook.com/kynguyenhyvong316phohue
📸 INSTAGRAM: instagram.com/kynguyenhyvong
#kynguyenhyvong #hopeplaza #hopeepoch #ShenYunCollections #iloveshenyun