TINH TRUNG NHẠC PHI
NGUYỆT HÀ
Thứ Ba,
07/01/2025
9 phút đọc
Nội dung bài viết
Đại tướng quân Nhạc Phi
Nhạc Phi là một trong những vị tướng nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Sinh ra vào cuối triều đại Bắc Tống, Nhạc Phi (1103-1142 sau CN) được biết đến không chỉ với nhiều chiến công oanh liệt, mà còn vì tiêu chuẩn đạo đức cao thượng. Thông qua những tích cổ kể nhiều câu chuyện về ông và việc ông được lập miếu tưởng nhớ, Nhạc Phi đã trở thành biểu tượng của lòng trung thành trong truyền thuyết Trung Quốc.
Khi Nhạc Phi đến tuổi trưởng thành, Trung Quốc bị dân tộc Nữ Chân (một dân tộc thiểu số, tổ tiên của dân tộc Mãn, cư trú ở vùng Cát Lâm, Hắc Long Giang) đến từ phương Bắc xâm lược, triều đình phải chiêu mộ những binh sĩ tài giỏi. Khi đó Nhạc Phi phải đối mặt với một tình thế khó xử: Một mặt ông muốn chiến đấu chống giặc xâm lược bảo vệ đất nước; nhưng mặt khác ông cũng muốn ở lại chăm sóc mẹ già của mình. Bị giằng xé giữa chữ “trung” và chữ “hiếu”, ông không biết phải làm gì.
Để khích lệ ông, mẹ ông bảo ông cởi áo, sau đó bà xăm lên lưng ông bốn chữ: “Tinh Trung Báo Quốc”. Bây giờ ông đã có thể tòng quân để đáp ứng nguyện ước của người mẹ và làm tròn bổn phận với đất nước.
Năm 1127 sau công nguyên, dân tộc Nữ Chân tấn công thành Biện Lương (nay là Khai Phong thuộc tỉnh Hà Nam), thủ đô của Bắc Tống, bắt hoàng đế Tống Khâm Tông cùng phụ thân Tống Huy Tông, và hàng trăm quan lại triều đình làm tù binh. Triệu Cấu, em trai của hoàng đế đã trốn thoát, vượt sông Trường Giang và thành lập vương triều Nam Tống. Mặc dù các lực lượng nhà Tống đã phải rút lui, nhưng Nhạc Phi mỗi lần xuất binh đều bất khả chiến bại và là một biểu tượng hy vọng của quốc gia trong những thời điểm khó khăn. Một lần, chỉ với 500 kỵ binh, ông đánh bại 10 vạn tinh binh của dân tộc Nữ Chân, buộc chúng phải bỏ chạy.
Bên cạnh lòng dũng cảm và tài đánh trận, Nhạc Phi nổi tiếng vì luôn bảo vệ dân thường và chăm sóc cho binh lính của mình khi ra chiến trường. Ông cũng trị binh rất nghiêm khắc và cấm họ lợi dụng dân thường trong khi hành quân qua các thị trấn. Vài năm sau khi vương triều Nam Tống được thành lập, Nhạc Phi phụng chỉ đi dập tắt một cuộc nổi dậy. Sau khi thắng lợi, hoàng đế Nam Tống ra lệnh cho ông giết tất cả mọi người trong thị trấn. Nhạc Phi do dự, nhiều lần cầu xin tha mạng cho dân thường. Cuối cùng, ông đã thuyết phục được hoàng đế chỉ giết những kẻ cầm đầu, tha tội cho những người bị ép buộc. Bách tính trong thị trấn đều cảm kích ân đức của Nhạc Phi và hoàng đế đã tặng ông một lá cờ thêu dòng chữ: "Tinh Trung Nhạc Phi".
Nhạc Phi rất quan tâm đến binh sĩ của mình. Nếu họ bị ốm, ông sẽ tự mang thuốc cho họ. Nếu binh sĩ chết trận, ông sẽ giúp đỡ gia đình họ. Mỗi khi triều đình phong thưởng, ông đều phân phát cho binh sĩ của mình. Nhưng công trạng của Nhạc Phi đã khiến những viên gian tướng thân cận với Hoàng đế ghen ghét. Họ đã gièm pha với Hoàng đế
rằng nếu ở xa kinh thành, Nhạc Phi có thể nắm quá nhiều quyền lực và trở nên nguy hiểm. Do đó Nhạc Phi đã triệu về hoàng cung, khiến cho các khu vực mà ông đã đóng giữ bị để cho quân địch chiếm lại. Nhạc Phi chỉ biết than vãn: "Công sức mười năm, đổ vỡ chỉ trong một ngày".
Thật không may, mọi việc không chỉ dừng lại ở đó. Nhạc Phi đã bị tước quyền lực và một năm sau đó, bị Tần Cối hãm hại, ghép ông vào tội chết. Nhạc Phi lúc đó 39 tuổi.
Tiết mục Shen Yun Lòng trung thành của Nhạc Phi kể về câu chuyện mẹ Nhạc Phi xăm chữ trên lưng của con trai và kể về tài điều binh khiển tướng của Nhạc Phi đã nhận được lòng yêu mến từ nhiều khán giả.
Người cha đứng sau anh hùng Nhạc Phi
Anh hùng huyền thoại Nhạc Phi của triều đại nhà Tống là một biểu tượng bất diệt của sự hy sinh quên mình và cống hiến cho tổ quốc. Hết lần này đến lần khác ông đánh bại quân xâm lược bất chấp rất nhiều khó khăn. Là một quan võ bậc thầy, nhưng ông cũng rất tốt bụng với binh lính của mình. Mặc dù câu chuyện của ông có một kết thúc bi thảm, ông vẫn được tôn kính trong nhiều thế kỷ như một biểu tượng của lòng trung thành và đức hạnh. Một phần lớn câu chuyện của ông liên quan đến người mẹ, người nổi tiếng đã xăm bốn chữ “tinh trung báo quốc” lên lưng ông.
Nhưng còn cha của Nhạc Phi thì sao?
Người ta thường cho rằng cha của Nhạc Phi đã chết đuối khi Nhạc Phi còn nhỏ — ít nhất đó là cách một câu chuyện dị bản. Tuy nhiên, các ghi chép lịch sử cho thấy rằng cha của ông vẫn sống khỏe mạnh khi Nhạc Phi còn niên thiếu. Hơn nữa, sự hỗ trợ và sự chú trọng mạnh mẽ vào giáo dục của cha ông đã giúp biến Nhạc Phi thành nhà lãnh đạo vĩ đại và anh hùng mà ông cuối cùng đã trở thành.
Các ghi chép chỉ ra rằng Nhạc Hoà là một người cha vĩ đại, người đã dạy con mình trở nên vĩ đại như vậy. Trong thời kỳ đói kém, ông đã động viên gia đình mình ăn ít hơn một chút để họ có thể phân phát số thực phẩm còn lại cho những người cần. Nếu hoa màu từ các trang trại lân cận lan sang ruộng nhà ông, ông sẽ thu hoạch khi chín và trả lại cho chủ sở hữu chính đáng. Thấy Nhạc Hoà hiền lành và tốt bụng, kẻ gian đôi khi lợi dụng ông, vay tiền không trả, thậm chí là ăn cắp của ông. Nhưng Nhạc Hoà vẫn vô tư và đơn giản là bỏ qua. Theo thời gian, những người dân làng của ông đã dành cho ông sự tôn trọng cao nhất. Con trai của Nhạc Hoà, Nhạc Phi, là một đứa trẻ ngoan ngoãn và thông minh. Nhạc Hoà đã thuê một gia sư riêng để dạy Nhạc Phi về lịch sử, các tác phẩm cổ điển và thư pháp — ông muốn Nhạc Phi phải giỏi võ thuật và văn học. Ông tin rằng nhận được một nền giáo dục toàn diện sẽ mở rộng tầm nhìn của con trai mình và mang lại những cơ hội lớn hơn cho tương lai của con.
Nhạc Phi học hành xuất sắc. Ông thông thạo văn học Trung Hoa và trở thành một nhà văn uyên thâm, sau này sáng tác nhiều bài thơ nổi tiếng, trong đó có bài “Mãn giang hồng”. Để rèn luyện võ thuật, Nhạc Phi được gửi đi học đánh thương dưới sự chỉ dạy của một người thầy tên là Tần Quảng. Nhạc Phi sớm trở nên lão luyện đến mức bất bại trên toàn quốc. Sau đó cha ông gửi ông đến học với Chu Đồng, một anh hùng quân sự địa phương.
Dưới sự dạy dỗ nghiêm khắc của thầy, Nhạc Phi thành thạo thêm bắn cung - ông có thể kéo một cây cung nặng 180 cân và bắn tên bằng cả hai tay với độ chính xác hoàn hảo.
Ngay sau đó, Trung Quốc bị xâm lược từ phía Bắc và ngay cả kinh đô cũng gặp nguy hiểm. Nhạc Hoà khuyên con trai phải trung thành và sẵn sàng hy sinh cho đất nước của mình. Nhạc Phi lên đường nhập ngũ và trở thành một vị tướng oai hùng, người đã lãnh đạo đội quân nổi tiếng kỷ luật của mình lập nhiều chiến công chống lại quân xâm lược nhà Kim. Ngay cả cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời, khi ông trở thành nạn nhân của các âm mưu chính trị, các giá trị cốt lõi của Nhạc Phi vẫn chưa bao giờ bị lung lay.
Nhạc Hoà đóng một vai trò quan trọng trong thành tựu lịch sử của Nhạc Phi. Ông đã truyền lại cho Nhạc Phi lòng nhân ái và yêu nước, thương dân. Ông cũng đã dành cho con một nền giáo dục toàn diện và hỗ trợ hết mình, nuôi dưỡng Nhạc Phi trở thành một bậc thầy cả về văn và võ. Một câu nói thường được gắn với Nhạc Phi là "văn võ song toàn". Câu nói này sẽ không tồn tại nếu không nhờ có cha của Nhạc Phi. Nhạc Hoà đã giúp trải đường cho một trong những anh hùng vĩ đại nhất của lịch sử và đã để lại cho thế hệ chúng ta một tấm gương sáng về vai trò quan trọng của tình phụ tử.
Nguồn: shenyunperformingarts.org
Tham khảo sản phẩm tại đây
-----------------
KỶ NGUYÊN HY VỌNG - 316 PHỐ HUẾ, LÊ ĐẠI HÀNH, HAI BÀ TRƯNG, HÀ NỘI
HOTLINE: 0356499488
FACEBOOK: facebook.com/kynguyenhyvong316
YOUTUBE: youtube.com/@KyNguyenHyVong
GAN JING WORLD: Hope Epoch Kỷ Nguyên Hy Vọng
INSTAGRAM: instagram.com/kynguyenhyvong